Ngoại khoa là chuyên ngành sử dụng phẫu thuật để sửa chữa các tổn thương của cơ thể do bệnh lý hoặc chấn thương. Lịch sử ngoại khoa để lại những dấu vết từ trước công nguyên và có những bước phát triển đầu tiên vào thời kỳ Phục Hưng ở châu Âu. Ở thời kỳ cận đại, y học có những phát hiện mới về bệnh, dụng cụ, phương pháp phẫu thuật giúp Ngoại khoa trở thành chuyên ngành quan trọng trong y học. Thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21 chứng kiến sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin giúp ngoại khoa có những tiến bộ vượt bậc về chẩn đoán, điều trị các bệnh lý phức tạp.
Theo Lancet Global Health (2015), có trên 5 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận đầy đủ với ngoại khoa và gây mê an toàn, hợp lý, đặc biệt là ở các nước có nền kinh tế kém phát triển. Tại vùng sa mạc Sahara châu Phi, chỉ có 1 phòng mổ trên 100000 dân, trong đó nhiều phòng mổ thiếu thốn trang thiết bị gây mê, phẫu thuật. Có 5% dân số các nước phát triển như Úc, Bắc Mỹ, Tây Âu không được tiếp cận ngoại khoa đầy đủ. WHO 2011 kết luận 90% nguyên nhân tử vong do chấn thương đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, việc tiếp cận ngoại khoa vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Không có quỹ hay tổ chức nào đầu tư cho việc hỗ trợ phát triển ngoại khoa như một vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Hàng năm trên thế giới có hơn 14 triệu người mắc ung thư và trên 8 triệu người chết vì căn bệnh này. Dự báo trong 20 năm tới sẽ có khoảng 30 triệu trường hợp mới mắc và 20 triệu người chết do ung thư trên toàn cầu, trong đó 2/3 ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng từ 170.000-180.000 bệnh nhân ung thư mới và 80.000 - 90.000 người chết vì căn bệnh này. Tại thành phố Hải Phòng, số bệnh nhân ung thư mới hàng năm khoảng 4000-5000 người, nhưng số bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở y tế theo ghi nhận được chỉ chiếm khoảng 60-70%.
Tại Việt Nam, y tế nói chung và ngoại khoa nói riêng đã có những bước phát triển đột phá, dần theo kịp các nước trong khu vực và trên thế giới. Chính phủ, ngành y tế và các thầy thuốc đã quyết tâm thực hiện những kỹ thuật phức tạp như ghép tạng hay phẫu thuật dưới hỗ trợ của robot. Người dân Việt Nam cũng có cơ hội được điều trị bệnh lý ngoại khoa theo các chuyên ngành sâu. Tuy nhiên, vấn đề tiếp cận ngoại khoa cũng chưa được quan tâm nghiên cứu tại nước ta. Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào tập trung vào chủ đề này được công bố ở nước ta.
Xuất phát từ thực tế đó Trường Đại Học Y Dược Hải Phòng phối hợp với Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp, Hội các Bệnh ngoại lai Pháp và Hội Ung thư Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế có chủ đề “Tiếp cận Ngoại khoa ở các nước vùng nhiệt đới và Cập nhật về ung thư - Surgery access in tropical areas and Updates in Oncology” tại Hải Phòng từ ngày 8 đến 10/11/2017. Đây là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý, các phẫu thuật viên có cơ hội trao đổi về khía cạnh cộng đồng của ngoại khoa vốn chưa được nhắc tới trong các nghiên cứu y khoa tại nước ta. Hội nghị được tổ chức với mục tiêu:
- Đánh giá mức độ tiếp cận ngoại khoa và điều trị ung thư của các nước vùng nhiệt đới trong đó có Việt Nam.
- Nâng cao chất lượng chăm sóc ngoại khoa, giảm tai biến, biến chứng và giảm chênh lệch về sức khỏe giữa các nhóm cộng đồng và các quốc gia.
- Đề xuất các giải pháp tăng cường tiếp cận của người dân vùng sâu, vùng xa, hải đảo với ngoại khoa và điều trị ung thư
- Đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả chăm sóc ban đầu về ngoại khoa và điều trị ung thư
- Nghiên cứu các vấn đề về dịch tễ học ung thư các cơ quan (phổi, vú, thực quản, khoang miệng, vòm, dạ dày, gan, trực tràng, buồng trứng, cổ tử cung, tiền liệt tuyến, u lympho hodgkin và non hodgkin, thận, bàng quang…)
- Các tiến bộ mới, các chương trình chẩn đoán và điều trị ung thư các cơ quan (phổi, vú, thực quản, khoang miệng, vòm, dạ dày, gan, trực tràng, buồng trứng, cổ tử cung, tiền liệt tuyến, u lympho hodgkin và non hodgkin, thận, bàng quang…)
- Đề xuất các giải pháp triển khai phòng mổ tiêu chuẩn tại các vùng khó khăn, hải đảo, tàu biển và phát triển y học từ xa (telemedicine)