11:40 +07 Thứ ba, 19/03/2024

MENU

Liên Kết

Trang nhất » Tin Tức » Y HỌC THƯỜNG THỨC

Cách phòng tránh bệnh mày đay mạn tính

Thứ sáu - 13/01/2017 09:08
       Mày đay mạn tính là bệnh da dị ứng thường gặp trong cuộc sống. Bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nhưng lại gây ngứa dai dẳng, rất khó chịu cho người bệnh. Phóng viên Báo Hải Phòng trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Liên, Trưởng Khoa Da liễu– Truyền nhiễm, Bệnh viện đại học Y Hải Phòng chung quanh căn bệnh này.
        - Bác sĩ cho biết biểu hiện của bệnh mày đay mạn tính? Những đối tượng dễ mắc căn bệnh này?
       - Mày đay là bệnh da dị ứng, do phản ứng mao mạch của da gây phù khu trú ở trung bì. Biểu hiện của bệnh mày đay mạn tính là người bệnh mắc bệnh kéo dài trên 6 tuần. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng và phong phú. Đa số người bệnh có dát đỏ, sẩn phù (là những mảng sẩn màu hồng nhạt, nổi gồ trên mặt da), xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể. Một số trường hợp, người bệnh có thể bị phù ở môi, mi mắt... Khi mắc bệnh, người bệnh có cảm giác rất ngứa. Tổn thương xuất hiện nhanh, mất đi nhanh, hay tái phát làm người bệnh rất khó chịu.
      Mày đay mạn tính gặp nhiều hơn ở người lớn và phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới. Cũng có trường hợp xảy ra ở trẻ em.
       - Đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh mày đay mạn tính? Cách chữa trị hiệu quả căn bệnh này?
       - Nguyên nhân của bệnh mày đay mạn tính rất khó xác định. Một số nguyên nhân thường gặp như: do thuốc, do nhóm dị nguyên tiếp xúc, hay do ký sinh trùng và vi khuẩn… Để tìm ra căn nguyên gây nên căn bệnh này không dễ, hơn 80% số người bệnh mày đay mạn tính không rõ nguyên nhân. Do đó việc điều trị thường không hiệu quả, dẫn đến bệnh lý kéo dài, hay tái phát. Như trường hợp của chị Nhân Thị Thu H., 33 tuổi ở phố An Đà, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền) bị bệnh mày đay mạn tính nhiều năm, thường xuyên nổi dát đỏ sẩn phù rải rác khắp người, ngứa nhiều. Chị điều trị nhiều loại thuốc khác nhau, ở nhiều nơi, nhưng không khỏi. Khi đến Bệnh viện đại học Y –Dược chị được xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn HP - loại vi khuẩn liên quan đến căn nguyên gây bệnh mày đay mạn tính. Hiện, chị đang phối hợp vừa điều trị triệu chứng ngứa, vừa điều trị diệt vi khuẩn. Bệnh tình của chị tiến triển rất tốt.
      Cách chữa trị hiệu quả nhất căn bệnh này là xác định chính xác căn nguyên gây bệnh. Muốn vậy, ngoài những xét nghiệm tổng thể, người bệnh cần làm các xét nghiệm chuyên sâu như: xét nghiệm tìm vi khuẩn HP, xét nghiệm lẩy da tìm các dị nguyên, xét nghiệm tìm kháng thể kháng tuyến giáp… Hiện, Bệnh viện đại học Y Hải Phòng có nhiều nghiên cứu liên qua đến việc điều trị mày đay mạn tính và cho kết quả lâm sàng tốt.
     - Lời khuyên của bác sĩ đối với người bệnh là gì?
     - Điều trị mày đay mạn tính hiện còn nhiều giới hạn cho những người bệnh không rõ nguyên nhân. Những người bệnh xác định được căn nguyên gây bệnh thường điều trị khá hiệu quả. Vì thế, người bệnh mày đay mạn tính cần được sàng lọc xét nghiệm sớm ngay từ lần khám đầu tiên để xác định nguyên nhân chính xác để chữa bệnh hiệu quả cao. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, tránh nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng. Đặc biệt, người bệnh không tự mua thuốc uống khi bị ban đỏ hoặc ngứa mà nên đến cơ sở y tế có chuyên môn về da liễu, dị ứng khám và điều trị; không điều trị theo lời mách bảo, tránh bệnh nặng điều trị khó khăn; tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và phản hồi lại đáp ứng điều trị với bác sĩ chuyên khoa.
     - Trân trọng cám ơn bác sĩ.
Mọi thông tin thắc mắc và chữa bệnh mày đay mạn tính, liên hệ: Khoa Da liễu, Bệnh viện đại học Y Hải Phòng, số 225C, phố Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.

Một số hình ảnh lâm sàng thường gặp ở người bệnh:









Tác giả bài viết: Hải Vân

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn