04:37 +07 Thứ sáu, 19/04/2024

MENU

Liên Kết

Trang nhất » Tin Tức » CÁC KHOA » Khoa Dược học » Hoạt động của Khoa

Thay đổi trong chương trình đào tạo dược sỹ tại Hoa Kỳ: đáp ứng nhu cầu xã hội

Thứ hai - 19/03/2012 11:29
 Đào tạo dược sỹ lâm sàng tại Hoa Kỳ: đáp ứng nhu cầu xã hội
        Trong và sau chiến tranh thế giới thứ 2, nền công nghiệp dược phát triển nhanh chóng, nhiều thuốc mới và các dạng thuốc ra đời, và hầu như không cần đến chức năng “bào chế” của dược sỹ. Hơn nữa, nhiều thuốc đưa vào thị trường cũng đồng nghĩa với tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc hợp lý. Từ thực tế này, một nghiên cứu quan trọng của Hội đồng giáo dục Hoa Kỳ do Edward C.Elliot thực hiện trong các năm 1946-1949 đã dẫn đến khuyến nghị cần phải đào tạo dược sỹ trong 6 năm, và người tốt nghiệp được gọi là “doctor of pharmacy”. Để tránh hiểu lầm với bác sỹ/thầy thuốc, người viết xin được dùng từ tương đương là Dược sỹ lâm sàng, viết tắt tiếng Anh là PharmD.
              Tuy nhiên, còn rất nhiều tranh cãi xung quanh khuyến nghị đào tạo này. Năm 1954, Hiệp hội các trường đại học dược Hoa Kỳ (AACP) đã thoả hiệp thống nhất thực hiện một chương trình 5 năm cho đào tạo dược sỹ, thay vì chỉ 2 đến 3 năm như trước đó, người tốt nghiệp có trình độ Cử nhân dược, hay Dược sỹ.
Một số trường Dược đi tiên phong, như Đại học Nam California đã thực hiện như khuyến nghị, chương trình đào tạo dược sỹ lâm sàng 6 năm ngay từ những năm 1950. Các môn học liên quan đến lâm sàng được chính thức đưa vào chương trình đào tạo dược sỹ từ những năm 1960.
               Năm 1973, AACP tiến hành một nghiên cứu về chương trình đào tạo dược sỹ, báo cáo được trình bày vào năm 1975, đưa ra nhiều khuyến nghị về tăng cường các môn học lâm sàng vào chương trình đào tạo dược sỹ. Nhưng có 2 vấn đề quan trọng vẫn chưa được quyết định, là tên gọi của người tốt nghiệp, và yêu cầu cho 2 năm điều kiện trước khi vào chương trình chuyên môn 4 năm. Năm 1978, trong cuộc bỏ phiếu của AACP, chỉ có 25% đồng ý chương trình đào tạo dược sỹ lâm sàng, đa số vẫn ủng hộ giữ nguyên chương trình đào tạo dược sỹ 5 năm.
               Đến cuộc họp AACP năm 1985 đã có 43% số người ủng hộ chuyển đổi hoàn toàn sang đào tạo dược sỹ lâm sàng (PharmD), 57% vẫn giữ nguyên hệ đào tạo Dược sỹ. Một nội dung tranh luận khá gay gắt, là tên gọi PharmD có thể nhầm với Bác sỹ (thầy thuốc) hoặc Tiến sỹ, mà đào tạo dược sỹ lâm sàng không như vậy.
Sự chuyển đổi chương trình từ Cử nhân dược sang Dược sỹ lâm sàng (PharmD) chính thức được bắt đầu kể từ khi Hội đồng kiểm định về đào tạo Dược Hoa Kỳ ban hành “Tiêu chuẩn kiểm định và hướng dẫn chương trình chuyên môn dược dẫn tới việc công nhận trình độ Dược sỹ lâm sàng” vào tháng 6 năm 1997.

Chương trình đào tạo tập trung vào chăm sóc người bệnh
            Từ những năm 2000 trở lại đây, toàn bộ các Trường đại học dược của Hoa Kỳ (119 trường) đã chuyển đổi sang đào tạo dược sỹ lâm sàng (PharmD). Không còn trường nào duy trì hệ đào tạo cử nhân dược (hệ 5 năm). Một số chương trình ngắn hạn nhằm chuyển đổi cho những ai có bằng cử nhân dược trước đó, muốn lấy bằng PharmD cũng được thực hiện tại nhiều trường đại học Dược.
            Thời gian đào tạo Dược sỹ lâm sàng tổng cộng là 6 năm. Học sinh phổ thông sẽ thi đầu vào và hoàn thành học đại học đại cương, từ 2 đến 4 năm tại các trường đại học, tương ứng với khoảng 60-90 đơn vị học trình. Yêu cầu 2 năm này gồm các môn khoa học cơ bản, toán, lý, hoá, sinh, khoa học xã hội và nhân văn. Sau đó, sinh viên đủ tiêu chuẩn có thể nộp hồ sơ thi vào học đại học dược, hệ 4 năm.

Mục tiêu đào tạo, sau khi tốt nghiệp dược sỹ có khả năng:
  • Cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh, hợp tác với bệnh nhân, người kê đơn, và các thành viên khác trong nhóm chăm sóc sức khoẻ đa ngành, với các nguyên lý trị liệu chuẩn mực, các thông tin dựa trên bằng chứng, chú ý đến các khía cạnh nghề nghiệp khác, như kinh tế, văn hoá, xã hội, đạo đức, pháp lý; sự phát triển nhanh chóng của khoa học y sinh, khoa học kỹ thuật, những lĩnh vực có thể tác động tới kết quả điều trị.
  • Quản lý và sử dụng các nguồn lực của hệ thống y tế, phối hợp với bệnh nhân, thầy thuốc và những người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ khác để tăng cường sức khoẻ, để cung cấp, đánh giá và điều phối quá trình phân phối thuốc một cách an toàn, chính xác, đúng hạn và cải thiện kết quả điều trị và sử dụng thuốc.
  • Thúc đẩy cải thiện sức khoẻ, phòng ngừa bệnh tật, hợp tác với bệnh nhân, cộng đồng, các quần thể dân cư có nguy cơ cao và những thành viên khác của nhóm chăm sóc sức khoẻ đa ngành.  
          Để đạt được các mục tiêu trên, cần rất nhiều các mục tiêu chi tiết, có định hướng để giúp phát triển kỹ năng và quá trình tự học tập suốt đời của dược sỹ, được các cơ sở đào tạo xây dựng. Các môn học thuộc 4 lĩnh vực như sau:
 
Khoa học y sinh: Giải phẫu và sinh lý; Bệnh học và sinh lý bệnh học; Vi sinh vật; miễn dịch học; Hoá sinh và kỹ thuật hoá sinh; Sinh học phân tử và di truyền; Thống kê y sinh.

Khoa học về dược: Hoá dược; Dược lý; Dược liệu; Hoá sinh lâm sàng; Dược phẩm và sinh dược học; Dược động học; Dược di truyền;

Khoa học xã hội, hành vi và quản lý: Hệ thống chăm sóc sức khoẻ; Kinh tế dược; quản lý thực hành dược; Dịch tễ dược; Luật dược và các hướng dẫn; Lịch sử ngành dược; Đạo đức; Giao tiếp nghề nghiệp; Khoa học xã hội và hành vi trong thực hành dược

Khoa học lâm sàng: Thực hành dược và dịch vụ chăm sóc do dược sỹ thực hiện; Hệ thống phân phối và bán thuốc; Liệu pháp thuốc; Chăm sóc bởi dược sỹ cho những nhóm dân cư đặc biệt; Thông tin thuốc; An toàn thuốc; Đánh giá thông tin thuốc và thiết kế nghiên cứu; Thực hành đánh giá người bệnh tại labo. 

           Trong 4 năm học chuyên môn, 3 năm đầu tiên sinh viên được học tại trường, không còn các môn có thực hành trên động vật, và rất ít labo thực nghiệm. Năm cuối cùng (năm thứ 4) được dành toàn bộ cho thực tập trải nghiệm trên lâm sàng và tại nhà thuốc. Sau khi tốt nghiệp, một số trường còn đào tạo nội trú 1 đến 2 năm cho những dược sỹ muốn đi vào các chuyên khoa lâm sàng khác nhau.

Tác giả bài viết: PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Khoa dược học. Học giả Fulbright

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn